Mình không nghĩ bài viết này lại vô tình có kết nối rất chặt với bài viết trước mình vừa viết về sự né tránh. Ở bài viết trước mình có viết những điều mình ghét ở bản thân và luôn tìm cách né tránh nó. Còn lần này lại viết về việc, có những điều dù rằng mình rất không thích, nhưng vẫn phải chấp nhận và sống chung với nó.
Vừa mấy hôm được nghỉ lễ ở nhà không biết làm gì thì mình lại xem Netflix với một vài bộ phim mới. Trong đó có bộ “Prison Playbook” – Cuộc sống ngục tù. Kể về những con người đã phạm lỗi lầm mà phải vào vòng lao lý. Nhưng vẫn có những sự bất công diễn ra, mà người bị vô tội lại phải vào tù.
Ở trong phim thì nhân vật chính Kim Je-hyuk cũng là một người bị hành quyết không thoả đáng mà vào tù. Cả bản thân một nhân vật phụ là Captain Yoo, đã phải vào tù với một hành động mà không phải do mình làm. Cả hai đều bị oan ở một khía cạnh khác nhau và đều phải chịu cảnh ngục tù với lý do ngang trái.

Nhưng khi xem phim ta có thể thấy được cách đối diện với vấn đề của hai người hoàn toàn khác nhau dù cho cả hai đều bị oan và chán ghét nơi này. Kim Je-hyuk biết rằng mình không thể làm gì để thay đổi nên anh chấp nhận thực tại. Anh hoà đồng, lạc quan với những người bạn tù cũng đã phạm phải những lỗi lầm. Anh chấp nhận việc có những sự bất công trong tù và luôn tìm cách để giải quyết những bất công ấy. Nếu không bàn về những chi tiết quá “phim” không sát với thực tế, thì đây là lối suy nghĩ rất tuyệt vời mà Kim Je-hyuk đã có được.

Captain Yoo thì lại không như vậy. Anh không chấp nhận việc mình vào tù, anh không chấp nhận việc mình bị xem như là một kẻ tội phạm. Từ đó anh luôn thể hiện những thái độ chống đối với việc đó, để rồi anh tự tách mình ra với đám đông. Đơn độc, lẽ loi, mong muốn một ngày được đòi lại danh dự và sự công bằng cho mình.
Ta có thể thấy đây là 2 kiểu người thường xuất hiện ở trong một tổ chức, công ty. Đặc biệt là những nơi có tình ép buộc như nhà tù, gia đình, đất nước, thể chế chính trị.
Sẽ có người chấp nhận những mặt tiêu cực ở nơi mình đang sống, biết mình không thể thay đổi được gì và chỉ tìm cách giảm đi những ảnh hưởng ấy đến với bản thân mình. Làm sao linh hoạt để hoà nhập chứ không hoà tan. Kiểu thứ hai là người không chấp nhận được những điều đó. Họ đứng dậy, đấu tranh đòi lại sự công bằng cho bản thân và những người xung quanh. Kết cục thường là chiến tranh và bên yếu thế hơn sẽ thua cuộc, thường là bên khởi nghĩa.

Cũng sẽ có một kiểu người thứ ba, không hoà nhập với số đông, cũng không đứng dậy đấu tranh với mặt tiêu cực. Họ chỉ đơn giản sống và làm tốt nhiệm vụ được giao để nhận phần thưởng của mình. Không quan tâm tới những điều xung quanh mà sống một cuộc sống lặp đi lặp lại, từ ngày này qua ngày khác.
Sẽ có rất nhiều điều để ta bàn luận về việc này, từ lý do đến cách giải quyết. Nhưng bài này mình chỉ muốn dừng lại ở việc liên kết sự chấp nhận với một bộ phim mình vừa xem nên sẽ dừng ở đây. Trong tương lai có thể sẽ viết thêm về chủ đề này. Peace!